Friday, 19/04/2024 - 17:18|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường TH ĐẠI THÀNH

Nghỉ hè thời Covid: Giải trí bằng luyện kỹ năng sống

GD&TĐ - Nghỉ hè sớm, lại trong bối cảnh dịch bệnh, trẻ bị hạn chế ra ngoài, thiếu tương tác, ít vận động… Điều này không chỉ khiến trẻ có cảm giác “cuồng” chân, mà còn ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe. 

Bố mẹ nên dành thời gian hướng dẫn cho trẻ một số hoạt động giải trí bổ ích qua mạng. Ảnh: Đức Trí.Bố mẹ nên dành thời gian hướng dẫn cho trẻ một số hoạt động giải trí bổ ích qua mạng. Ảnh: Đức Trí.

Việc tổ chức hoạt động, trò chơi giải trí ngay tại gia đình là điều các bậc phụ huynh cần quan tâm. 

Hệ lụy mùa dịch

Trẻ trong độ tuổi đi học, mối liên hệ với nhà trường, bạn bè, thầy cô chiếm thời gian đáng kể trong ngày. Khi phải ở nhà nhiều ngày, không gặp gỡ bạn bè, chỉ ôm điện thoại, iPad, vài cuốn truyện… dễ khiến các em stress với các cấp độ khác nhau.

Một trong những hệ lụy dễ nhận thấy khi trẻ bị phá vỡ “đồng hồ sinh học” vốn đã định hình trong năm học là thời gian thức dậy buổi sáng, ngủ trưa và ngủ buổi tối muộn hơn. Nhiều em ngủ “nướng” không biết ngủ trưa là gì, tối ngủ rất muộn để “cày” game và phim trên mạng.

Nghỉ nhiều, ít áp lực học hành khiến nhiều trẻ trở nên lười biếng, không mấy thiết tha việc học dù chỉ là ôn lại kiến thức cũ. Suốt ngày ở trong nhà, cũng đẩy trẻ đến sở thích ăn vặt, dẫn tới nguy cơ béo phì gia tăng.

TS tâm lý chuyên ngành Giáo dục Vũ Việt Anh – Tổng Giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội) khẳng định: Trẻ ở nhà dài ngày, thiếu hoạt động kết nối, bị tách khỏi hoạt động xã hội có thể dẫn tới trạng thái tâm lý trầm cảm, co người lại, lười hoạt động giao tiếp (đặc biệt ở tuổi vị thành niên).

Mặt khác, dịch bệnh phức tạp cũng có thể gây cho trẻ phản ứng thái quá, biểu hiện hoài nghi, lo lắng, nghịch ngợm, xung đột, bạo lực với người xung quanh. Nhiều em tìm đến những chương trình giải trí từ mạng Internet không có sự giám sát của bố mẹ, lạm dụng sử dụng điện thoại, nếu kéo dài sẽ dẫn đến nghiện. Các em cũng dễ dàng nổi nóng, cáu gắt với cha mẹ nếu bị cấm sử dụng điện thoại, chơi các trò kết nối mạng.

Vì vậy trong thời điểm “nhạy cảm”, TS Vũ Việt Anh cho rằng: Phụ huynh cần kết hợp với giáo viên chủ nhiệm, nhà trường tổ chức nhiều hơn những hoạt động vui chơi, học tập bổ ích. Qua đó, trẻ được giao lưu, tương tác, giải phóng năng lượng… Tránh tình trạng nghỉ học dài ngày, đảo lộn nếp sinh hoạt khiến trẻ chưa kịp thích nghi đã gặp phải những vấn đề tâm lý, hành vi lệch chuẩn.

Mặt khác, để giảm nguy cơ stress trong mùa dịch Covid-19 cho trẻ, cha mẹ nên quan tâm đến trẻ nhiều hơn, giúp con được giải tỏa về mặt tinh thần. Giúp trẻ nhận thấy dịch bệnh bất khả kháng, cần biết chấp nhận khó khăn thực tế, có tư duy tích cực và linh hoạt trong giai đoạn này để mau chóng vượt qua khủng hoảng.


Cho trẻ tham gia công việc phù hợp để giải phóng năng lượng và tăng cơ hội giao lưu. Ảnh: Đức Trí.
 

Để nghỉ hè bổ ích

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng – Khoa Tâm lý giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) bày tỏ: Lứa tuổi HS, hoạt động chủ đạo là học tập và giao lưu, giao tiếp. Bởi vậy, nghỉ hè nhưng thường xuyên phải ở trong nhà do dịch, hoạt động chính của HS bị thay đổi hình thức. Điều đó khiến nhiều em “sốc” tâm lý, không thích ứng kịp thực tế.

Như vậy, thời gian trẻ ở nhà, bố mẹ cần đốc thúc trẻ tập thể dục nhiều hơn; tham gia một số trò chơi trí tuệ bổ ích trên mạng để có cơ hội giao tiếp với bạn bè. Về phía bố mẹ phải tăng cường nói chuyện với trẻ, tổ chức các trò chơi đơn giản, dễ thực hiện như: Thi kể chuyện, học hát, nhảy múa theo hướng dẫn phù hợp từ mạng; Mua giấy bút, giá vẽ để trẻ tự vẽ tại nhà…

“Thời điểm này, gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng để giúp trẻ cân bằng tâm lý, sức khỏe. Bố mẹ có thể không phải là một nhà sư phạm giỏi nhưng chắc chắn có thể trở thành nhà giáo dục, người bạn đồng hành với trẻ. Cha mẹ hãy cùng con vui chơi, bày tỏ suy nghĩ, quan điểm, vận động trong không gian gia đình… Điều đó sẽ giúp hạn chế tối đa những tác động tiêu cực từ thay đổi môi trường, thói quen sinh hoạt hàng ngày tới trẻ…” – PGS.TS Trần Thị Minh Hằng khẳng định.

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng cũng lưu ý: Ở nhiều nước phát triển, khi HS quay trở lại học tập sau nghỉ dịch Covid-19, thay vì cho học văn hóa ngay, các trường dạy kĩ năng sống và tổ chức một số hoạt động giải trí, kết nối HS với nhà trường để cân bằng trạng thái tâm lý rồi mới tiếp tục học tập. Như vậy, các chuyên gia tâm lý học đường trong nước cũng cần chuẩn bị sẵn hệ thống kĩ năng phù hợp để giúp HS trở lại trường học nhanh cân bằng tâm lý.

Theo TS Vũ Việt Anh, một số hoạt động giải trí bổ ích được các trung tâm giáo dục kỹ năng sống tổ chức trực tuyến cho học viên như: Nhảy, múa; tập gym, thiền…; Cùng đó đưa ra những chủ đề thú vị để HS cùng trao đổi qua Zalo, Facebook; hoặc giáo viên quay những video hướng dẫn tập thể dục, dạy hát, thiền… để HS làm theo. Tham gia các hoạt động này, HS giảm đáng kể năng lượng dư thừa và vẫn được vận động dù ở nhà.

Tuy nhiên, trong trường hợp HS không tham gia nhóm hội nào, cha mẹ vẫn có thể tự tổ chức một số hoạt động giải trí bổ ích cho trẻ tại nhà như: Chơi trò chơi thách thức (Trẻ tự quay clip số lần tập chống đẩy, nhảy dây; làm việc nhà, đọc những cuốn sách, truyện nào; chăm sóc cây xanh… rồi gửi cho bố mẹ để khen thưởng).

Mặt khác, cũng có thể mua chương trình game ý nghĩa để mọi người trong gia đình có thể cùng chơi với trẻ lúc rảnh như: Cờ tỉ phú, cá ngựa, hát karaoke gia đình… Như vậy, trẻ bị cuốn hút vào các trò chơi giải trí bổ ích thay vì muốn chơi gì thì chơi. 

Dịch Covid-19 không ai mong muốn, cha mẹ có thể biến đây thành cơ hội giáo dục trẻ những bài học thực tế. Dạy con kĩ năng giữ sức khỏe, an toàn bản thân trong mùa dịch; giáo dục trẻ biết quan tâm, yêu thương, trách nhiệm với bản thân và xã hội; Bài học đạo đức, về sự tuân thủ pháp luật (thông qua một số trường hợp không khai báo y tế trung thực, không cách ly gây ảnh hưởng tới cộng đồng và bị xử lý theo pháp luật…) - TS Vũ Việt Anh.

Lượt xem: 258
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 68
Hôm qua : 59
Tháng 04 : 917
Năm 2024 : 8.291